Cô Hầu Gái lấy bối cảnh Việt Nam hồi năm 1953. Nhung Kate vào vai Linh, một cô gái quê mùa tìm đến đồn điền Sa Cát của đại úy Sebastien (Jean-Michel Richaud) để kiếm việc. Căn biệt thự của ông ta lộng lẫy nhưng toát lên một không khí u tối nặng nề. Bởi nằm cạnh nó là cánh rừng cao su nơi không biết bao nhiêu người phu đã bỏ mạng, và đáng sợ hơn cả là hồn ma của phu nhân Camille, người vợ đã mất của Sebastien luôn thoắt ẩn thoắt hiện. Cho tới một hôm nọ, Linh được bà quản gia giao nhiệm vụ chăm sóc viên đại úy sau khi ông ta trở về nhà với vết thương nặng. Từ đây, tình cảm giữa hai người bắt đầu nảy sinh. Nhưng cũng vì thế, hồn ma của Camille cũng bắt đầu tác quái, trút cơn giận lên những người đang sống trong ngôi biệt thự.

Cô Hầu Gái được các nhà sản xuất của CJ và Happy Canvas định hướng là một bộ phim thuộc thể loại kinh dị - lãng mạn. Có lẽ không tự dưng mà họ lại đặt từ ‘kinh dị’ trước ‘lãng mạn’. Bất kỳ ai có quan tâm tới phòng vé Việt Nam đều biết rằng các khán giả của chúng ta có một tình cảm đặc biệt đối với những bộ phim kinh dị. Rất nhiều tác phẩm thuộc thể loại này dù ở Hollywood chỉ được xác định là phim nhỏ - trung bình nhưng doanh thu tại phòng vé Việt Nam lại không kém gì những quả bom tấn mà Annabelle, The Conjuring là những ví dụ điển hình. Tuy nhiên, cũng nên hiểu rằng họ đang ngầm định: kinh dị mới là chính, lãng mạn chỉ là yếu tố theo sau. Nhưng thực tế trong phim thì thế nào? Có thể khẳng định rằng phần lãng mạn trong Cô Hầu Gái là khá yếu. Khán giả khó có thể nào cảm được liên kết giữa đại úy Sebastien và Linh, tình cảm giữa họ không nảy sinh một cách vội vàng, thậm chí, các nhà làm phim còn dành không ít thời gian để xây dựng nó. Tuy nhiên, luôn có cảm giác gì đó gượng gạo. Sebastien là một nhân vật tương đối nhàm chán, viên đại úy người Pháp này có ngoại hình cao, hơi gầy cùng khuôn mặt sáng, hiền, tuy nhiên, tính cách của ông ta lại khá nhập nhằng. Ban đầu, có thể thấy Sebastien là một người lịch thiệp, tốt bụng nhưng về sau, khi bí mật được hé lộ, khán giả sẽ thấy không ít xung đột.

Sự gượng gạo cũng đến từ nhân vật Linh. Có thể coi đây là vai diễn khá thành công của Nhung Kate sau màn trình diễn kém cỏi trong Siêu Trộm. Tuy nhiên, nhân vật của cô lại thể hiện tình cảm dành cho Sebastien một cách khá cầm chừng. Bộ phim có một số cảnh làm tình khá ‘bạo” nếu so với các phim Việt Nam gần đây nhưng những cảnh nóng bỏng này không đủ để người xem cảm được chuyện tình của họ. Tuy vậy, nếu không quá khó tính, đây chỉ là một điểm trừ nhỏ.

Bù lại, phần kinh dị (thứ được coi là yếu tố chính) của Cô Hầu Gái lại được làm khá tốt. Đã rất lâu rồi mới có một bộ phim Việt Nam đáng sợ tới vậy. Cách các nhà làm phim hù dọa khán giả không mới nhưng lại rất hiệu quả. Phần hình ảnh của phim được chau chuốt khá tỉ mỉ, khung hình có chiều sâu rõ ràng nhưng luôn toát lên một không khí u tối khó tả. Sự xuất hiện của các nhân vật như bà quản gia (NSƯT Kim Xuân), bà đầu bếp Ngô (Phi Phụng), ông đốc công Châu (Kiến An) đều là những bổ sung thú vị cho truyện phim, mỗi người đều góp một phần vào bí mật đang ẩn dấu tại đồn điền Sa Cát. Bóng ma của phu nhân Camille chắc chắn sẽ làm không ít khán giả phải ám ảnh. Không chỉ bởi phần hoá trang và tạo hình rất ma mị, cách đạo diễn Derek Nguyễn giới thiệu về nhân vật này cũng không kém phần kì bí: một người phụ nữ vì mòn mỏi đợi chồng mà phát điên, sát hại đứa con của mình rồi tự tử. Vì thế ngôi nhà thường có những tiếng động kì lạ và tiếng khóc ai oán vào lúc nửa đêm.

Phần âm thanh - tiếng động trong phim cũng được làm tốt, tạo cảm giác sợ hãi nhưng bị lạm dụng, âm lượng bị đẩy lên quá cao trong nhiều tình huống. Một điểm sáng khác của Cô Hầu Gái là việc phim luôn giữ được không khí kinh dị xuyên suốt từ đầu tới cuối, chuyển cảnh khá mượt mà. Bí mật của Cô Hầu Gái được giữ kín một cách khá khéo léo cho tới đoạn kết đầy choáng váng. Phim vẫn có một vài lỗi logic nhưng không đáng kể lắm so với tổng thể vốn đã khá liền mạch.

Cô Hầu Gái có thể là một tác phẩm chưa trọn vẹn. Song, bộ phim mang tới gần như đầy đủ những gì nó hứa hẹn: một chuyện tình ai oán, một bí mật đầy li kỳ và quan trọng hơn cả là không khí kinh dị đúng nghĩa.