- Diễn viên rất xinh đẹp. Quái vật rất hùng tráng. Bối cảnh Việt Nam đẹp mê ly rụng rời.

- Nhưng tất cả chỉ có vậy.

- Kong hoàn toàn khỏa thân suốt phim nhưng tác phẩm chỉ bị dán nhãn C13.

Sau thành công của Godzilla năm 2014 với hơn 529 triệu USD tiền bán vé trên kinh phí sản xuất 160 triệu USD, Warner Bros và Legendary Pictures đã nhanh chóng triển khai dự án Kong: Skull Island. Đây là bộ phim thứ 4 về King Kong sau 3 bản phim: gốc (1933) và hai phần làm lại năm 1976 và 2005 (của Peter Jackson), đồng thời nó nằm trong vụ trụ điện ảnh về những siêu quái vật, dự kiến sẽ được tiếp nối bởi Godzilla: King of the Monsters (2019) vàGodzilla vs. Kong (2020).

Để tạo nền tảng cho cuộc đụng độ giữa hai quái vật khổng lồ, Kong: Skull Island (tựa tiếng Việt: Kong: Đảo Đầu Lâu) tạm thời chưa sử dụng phần tình tiết đưa Kong về với xã hội văn minh vốn đã trở nên quen thuộc với khán giả. Thay vào đó, toàn bộ truyện phim diễn ra ở trên Đảo đầu lâu nơi vị chúa đảo phải hằng ngày đối mặt với lũ quái vật hung tợn. Và tất nhiên, không thể nào thiếu được sự hiện diện của con người.

Kong: Skull Island mở đầu tại thời điểm chiến tranh thế giới thứ 2 năm 1944 với cảnh đụng độ giữa hai phi công một Mỹ, một Nhật sau khi máy bay của họ bị rơi xuống một hòn đảo. Hai người lính trẻ đang đánh nhau thừa sống thiếu chết thì Kong xuất hiện với cái đầu khổng lồ cùng đôi mắt hung tợn. Cảnh phim kết thúc đột ngột và tiếp nối bởi đoạn intro mở đầu với hình ảnh lướt qua về những vụ thử bom, những trang tài liệu được dán nhãn "tuyệt mật" và những tai nạn bí ẩn.

Sau đó, phim chuyển qua bối cảnh năm 1973. Lúc này, sau khi vất vả xin được tiền tài trợ của chính phủ cho dự án ‘điên rồ’ của họ, hai nhân viên đứng đầu Monarch là Bill Randa (John Goodman) và Houston Brooks (Corey Hawkins) đang bắt đầu đi tuyển mộ người cho cuộc thám hiểm hòn đảo ngoài khơi phía Nam Thái Bình Dương. Tham gia vào đoàn là tiểu đội lính thủy đánh bộ đứng đầu bởi trung tá Preston Packard (Samuel L. Jackson) với vai trò hộ tống đoàn, nữ nhiếp ảnh gia Mason Weaver (Brie Larson) và James Conrad (James Conrad) – một cựu quân nhân với dày dặn kinh nghiệm đi rừng cùng kỹ năng dò đường sành sỏi.

Vượt qua được màn giông bão bảo vệ hòn đảo và bắt đầu thả bom để đo đạc địa chất, đoàn thám hiểm đã làm Kong nổi giận và đánh hạ toàn bộ đoàn trực thăng. Bị chia 5 xẻ 7, họ phải vượt rừng rú để tìm đến điểm hẹn tập kết. Song, chờ đón họ còn là những con quái vật khác, không kém phần khủng khiếp.

Kong: Skull Island sở hữu một dàn diễn viên bao gồm cả những gương mặt gạo cội lẫn các tài năng trẻ. Tuy vậy, bộ phim vừa chưa tận dụng vừa phung phí nguồn tài nguyên này. John C. Reilly nổi bật hơn cả trong vai viên lính già Hank Marlow. Bị lưu lạc hơn 20 năm trên đảo nhưng Hank luôn vui vẻ, đầy nhiệt huyết và lòng vị tha. Ông còn là người giúp hé lộ không ít bí mật về những sinh vật khổng lồ đang ngự trị trên Đảo đầu lâu.

Trong khi đó, vai trung tá Preston Packard của Samuel L. Jackson cũng không kém phần ấn tượng. Đây là một quân nhân mưu trí, dày dặn kinh nghiệm nhưng độc đoán và hết sức cố chấp. Có thể thấy rằng Packard là một kẻ coi chiến tranh và chinh phạt là nguồn sống bởi chúng ta thấy rõ sự chán nản khi được lệnh rút quân khỏi Việt Nam. Và ngay sau đó, sự vui vẻ đã nhanh chóng trở lại trên khuôn mặt ông ta khi được giao nhiệm vụ mới.

Tuy vậy, nhân vật Mason Weaver của Brie Larson và James Conrad  của Tom Hiddleston lại có phần thể hiện chỉ dừng ở mức tạm chấp nhận. Ấn tượng về họ quá chung chung: một người là nữ nhiếp ảnh gia đi chụp ảnh, người còn lại là một cựu quân nhân đẹp trai, có ít nhiều bản lĩnh. Cả hai đều không có tiểu sử hay cá tính đủ hấp dẫn khán giả. Sự tương tác giữa hai nhân vật cũng không có mấy thu hút. Trong khi đó, vai nhà sinh vật học nữ của Cảnh Điềm dừng lại ở mức ‘bình hoa di động’ không hơn không kém. Có vẻ như các nhà làm phim còn cố gắng tạo ra chút bi kịch về những người lính chuẩn bị trở về quê nhà sau cuộc chiến phi nghĩa nhưng lại bị lôi vào tử địa. Nhưng đáng tiếc thay, khán giả sẽ chẳng mấy quan tâm tới sự sống chết của họ.

Bỏ qua phần truyện về con người, hãy nói về nhân vật được lấy làm tên cho bộ phim: Kong. Nếu lý do để bạn đến rạp là để chứng kiến những trận chiến kinh thiên động địa của Kong và lũ quái vật hay xem những khí tài tân tiến của con người bị vị chúa đảo tiêu diệt như thế nào thì bộ phim hoàn toàn đáp ứng đầy đủ. Dù kỹ xảo trong một vài cảnh không được hoàn hảo nhưng tạo hình và sự uy phong của Kong là hết sức ngoạn mục.

Tuy vậy, nếu đã lỡ thích bản King Kong (2005) của Peter Jackson thì bạn sẽ có ít nhiều thất vọng với Kong của Skull Island. Lần này, chú linh trưởng khổng lồ chỉ đơn giản là một sinh vật dù hung tợn khi bị tấn công nhưng thực chất lại tốt bụng và sẵn sàng bảo vệ loài người. Nhưng tất cả chỉ dừng lại ở đó. Dù là một sinh vật thông minh nhưng chúng ta gần như không biết mấy về quá khứ hay tâm tư của Kong. Cảnh dài nhất thể hiện điều này là lúc Kong ngồi giữa sông, mân mê vết thương nhưng vẫn khá ngắn ngủi. Đa số phần còn lại đều được thể hiện ngắn gọn qua lời kể của ông lính già Hank.

Mối tương quan giữa con người và sức mạnh khủng khiếp từ thiên nhiên (Kong và các quái vật) là một trong những điểm khá mâu thuẫn của các nhà làm phim. Đạo diễn Jordan Vogt-Roberts cùng các biên kịch muốn đi theo một con đường mới, không đi sâu vào mối quan hệ giữa người đẹp và quái vật như các phiên bản phim trước. Song, họ vẫn dành không ít thời gian cho con người và để câu truyện của mình đi lan man bằng việc nhồi nhét quá nhiều nhân vật và nhiều tình tiết. Tuy vậy, chúng được bù lại là những cảnh hành động mãn nhãn giữa các quái thú khổng lồ lấy nền là non nước Việt Nam hùng vĩ và nên thơ (Ninh Bình, Quảng Bình).