SÁT THỦ BÓNG ĐÊM - SỰ THAY ĐỔI SÁNG TẠO TỚI TỪ UBISOFT

 

 

Tựa game Assassin’s Creed, do Ubisoft sản xuất, lần đầu tiên ra mắt các game thủ vào năm 2007 và nhanh chóng có cho mình lượng fan khổng lồ bởi cốt truyện hấp dẫn và lối hành động lôi cuốn. Nội dung của game kể về cuộc chiến kéo dài hàng ngàn năm giữa Hiệp sĩ dòng Đền và Hội Sát Thủ nhằm tranh giành Quả Táo Vườn Địa Đàng (The Apple of Eden) - một thần vật có khả năng thao túng trí não của nhân loại. Trong bối cảnh hiện đại, Hiệp sĩ dòng Đền bắt giữ các hậu nhân của Hội Sát Thủ và sử dụng cỗ máy Animus để truy cập vào ký ức của tổ tiên họ, nhằm tìm ra vị trí của Quả Táo bị thất lạc trong dòng thời gian. Người chơi sẽ hóa thân thành thành viên của Hội Sát Thủ và trải nghiệm những nhiệm vụ ám sát, trốn chạy và giải đố trong bối cảnh Trung cổ đẹp mắt.

Với nội dung tuyệt vời, dự án Assassin’s Creed đã được ấp ủ từ năm 2011 bởi chính Ubisoft và nhận được sự mong chờ rất lớn của các fan. Tuy nhiên, hãng đã có sự tùy chỉnh hợp lý để những người chưa từng chơi qua tựa game này cũng có thể hiểu được nội dung. Phim bắt đầu bằng việc Callum Lynch (Michael Fassbender) được tập đoàn Abstergo cứu thoát khỏi án tử hình và bí mật giam giữ. Tại trụ sở của tập đoàn, Sofia Rikkin (Marion Cotillard) đã đưa anh vào cỗ máy Animus để truy cập vào ký ức của Aguilar de Nerha (cũng do Michael Fassbender thủ vai) nhằm tìm kiếm Quả Táo Vườn Địa Đàng. Callum dần nhận ra anh chính là hậu nhân của Hội Sát Thủ còn những kẻ núp bóng tập đoàn Abstergo thực chất lại là Hiệp sĩ dòng Đền với âm mưu đen tối. Liệu thần vật mà rất nhiều người đã đổ máu để bảo vệ sẽ rơi vào tay các Hiệp sĩ hay Callum Lynch sẽ hoàn thành nhiệm vụ do tổ tiên mình để lại?

 

Là một bộ phim về nguồn gốc nhân vật và buộc phải giải thích khối lượng kiến thức khổng lồ từ game, các nhà làm phim đã có sự thay đổi hợp lý khi không tập trung quá nhiều về hành động mà đi sâu khai thác tâm lý. Tính cách của nam chính Callum Lynch được xây dựng một cách hợp lý và xuyên suốt. Anh có những mâu thuẫn nội tâm cũng như sự thay đổi tâm lý một cách rõ rệt và có chiều sâu. Diễn xuất tuyệt vời đậm chất bản năng và phóng khoáng củaMichael Fassbender đã mang tới một nhân vật sống động và vô cùng truyền cảm. Nếu đã thích các vai diễn trước của anh như Magneto trong loạt phim X-Men hay Tom Sherbourne trong The Light Between Oceans thì khán giả sẽ dễ dàng nhận ra một Michael hoàn toàn khác trong Assassin’s Creed. Đặc biệt, anh còn kiêm luôn vai diễn sát thủ Aguilar de Nerha, một người lạnh lùng nhưng vẫn có tình cảm da diết. Dù Fassbender hóa thân thành 2 nhân vật nhưng vẫn có sự phân biệt rõ ràng và không khiến người xem bị nhàm. Chàng diễn viên gốc Đức ngày càng chứng tỏ mình là một diễn viên thực lực và đang dạng trong diễn xuất bậc nhất Hollywood.

Ở phía bên kia chiến tuyến, Alan Rikkin của Jeremy Irons cũng có màn trình diễn rất tuyệt vời. Khác với quản gia Alfred trong Batman v Superman: Dawn of Justice, Alan Rikkin có sự lạnh lùng và thủ đoạn cần thiết để trở thành kẻ phản diện. Đồng thời, ông cũng thể hiện được chí hướng khác biệt của Hiệp sĩ dòng Đền cũng như tham vọng của tổ chức này. Mục đích thì không xấu nhưng cách làm việc thì cực kì nhẫn tâm. Trong khi đó, Marion Cotillard gây thất vọng khi có một vai diễn dưới sức. So với Marianne Beausejour trong Allied mới ra mắt gần đây, Sophia Rikkin của cô có phần hơi đơ và chỉ bộc lộ cảm xúc ở 1 vài phân đoạn nhất định. Các diễn viên khác nhìn chung đều thể hiện tròn vai. Trong đó, nổi bật là cô nàng sát thủ Maria, bạn đồng hành của Aguilar de Nerha, do Ariane Labed với khả năng hành động thần sầu và diễn xuất cá tính.

 

Assassin’s Creed có phần cốt truyện rất thu hút và nhiều điểm nhấn. Bối cảnh chuyển đổi liên tục giữa quá khứ và hiện đại giúp khán giả không bị nhàm chán và “đổi gió” liên tục. Ở mỗi mốc thời gian là một câu chuyện khác nhau hoàn toàn nhưng vẫn có sự liên kết chặt chẽ. Ở thời hiện đại là những âm mưu, toan tính của cả Abstergo lẫn các hậu nhân Hội Sát Thủ bị bắt giữ và phần tâm lý đầy biến động của Callum Lynch. Trong khi đó, ở quá khứ lại là những cảnh hành động liên tục với trường độ cao và nút thắt chính của toàn bộ bộ phim. Vì thế mà, người xem khó có thể rời mắt khỏi màn hình nếu không muốn bỏ sót bất kì một chi tiết quan trọng nào. Các nhà làm phim cũng đã rất khéo léo khi đưa ra rất nhiều bí ẩn xuyên suốt câu chuyện. Tất cả chỉ được giải quyết vào phút cuối với một phân cảnh “tri ân” dành riêng cho fan với nền nhạc không thể hào hùng và cảm động hơn khiến khán giả “nổi da gà”.

 

Điểm sáng giá nhất của Assassin’s Creed chính là phần hành động. Với phong cách ám sát đặc trưng, bộ phim mang tới những cảnh cận chiến cực kỳ đẹp mắt giữa các sát thủ và Hiệp sĩ dòng Đền. Phong cách ra đòn nhanh gọn, dứt khoát và kết hợp nhuần nhuyễn với môi trường khiến người xem thích thú. Ngoài ra, môn thể thao nguy hiểm parkour (di chuyển qua các tòa nhà cao tầng hay các bờ tường cheo leo) cũng được bộ phim đưa vào một cách khéo kéo. Ubisoft đã hạn chế tối đa sự can thiệp của kỹ xảo cũng sử dụng các pha leo trèo, nhào lộn một cách chân thật nhất. Trường đoạn các thành viên Hội Sát Thủ và Hiệp sĩ dòng Đền rượt đuổi và chiến đấu với nhau qua các tòa nhà cao cao chót vót vô cùng nghẹt thở và mãn nhãn. Đặc biệt, Leap of Faith trứ danh được các diễn viên đóng thế thực hiện ở độ cao 38 mét và không hề có bảo hộ tạo nên một cảnh tượng vô cùng hoành tráng.

 

Với bối cảnh Trung cổ quen thuộc của dòng game, phiên bản điện ảnh lần này đưa người xem tới Tây Ban Nha thế kỷ 15. Những tòa nhà, kiến trúc được xây dựng công phu và tỉ mỉ tới từng chi tiết. Khán giả như lạc vào một châu Âu đậm chất cổ kính và uy nghi nhưng không kém phần lãng mạn. Bối cảnh vừa chân thật vừa đậm chất giả tưởng của bộ phim là một điểm nhấn rất lớn. Không chỉ phần “nhìn”, phần “nghe” của Assassin’s Creed cũng rất được đầu tư. Mỗi khi Callum đăng nhập vào Animus chuyển sang quá khứ đều được mở đầu bằng khung cảnh bao quát rộng lợn từ góc nhìn của một chú đại bàng cùng nền nhạc mạnh mẽ. Xuyên suốt những pha hành động liên tục không ngơi nghỉ đều có sự góp sức không hề nhỏ của phần nền nhạc dồn dập và bắt tai. Nó làm cho những cảnh chiến đâu trở nên hào hùng và hoành tráng hơn rất nhiều lần cũng như khiến người xem không ít lần nín thở để theo dõi.

 

Dù có sự sáng tạo trong cách chuyển thể nhưng Assassin’s Creed lại vấp phải một số lỗi không đáng có. Phần hành động tuy hay nhưng lại khá ít so với tổng thể một bộ phim hành động. Vì nội dung cốt truyện game quá lớn nên phần giải thích của các diễn viên hơi dài dòng cũng như chưa truyền tải được hết câu chuyện cho người xem. Tuy vậy Assassin’s Creed rất xứng đáng là một trong những bộ phim chuyển thể game hay nhất từ trước tới nay. Đây là tác phẩm khó có thể bỏ qua đối với khán giả yêu thích thể phm loại hành động.

Assassin’s Creed đang được chiếu tại các rạp trên toàn quốc.