[Review] Lách Luật Kiểu Mỹ – Tội phạm hay chỉ là gã thương nhân thành đạt?

 

Sau một thời gian dài chứng kiến Tom Cruise qua hàng vai diễn cắm đầu mà chạy, khoe nụ cười bóng loáng với diễn xuất gượng gạo, khán giả dường như cũng hết kiên nhẫn với vẻ điển trai của anh chàng. Có vẻ việc đổi từ anh hùng sang vai một tay tội phạm láu cá lại đúng với sở trường của nam diễn viên người Mỹ. Lần này không còn phải trưng ra bộ mặt nghiêm túc như tượng dù đứng trước em xác ướp gợi cảm nhất hệ mặt trời nữa. Tom của chúng ta trở thành một tay tội phạm thân thiện, tinh ranh, luôn nở nụ cười dù... sún răng.

Chào mừng đến với nước Mỹ những năm 1878, với những âm mưu vận chuyển ma túy, sung đạn xuyên biên giới và đến Barry Seal - một trong những người giàu nhất thời bấy giờ. Anh hùng ái quốc, kẻ phản quốc và anh "Grab Air" - đùa thôi: trùm vận chuyển ma túy, thuốc lá khét tiếng thần sầu!

Bộ phim Barry Seal: Lách Luật Kiểu Mỹ bắt đầu từ mốc thời gian năm 1978, khi nhân vật chính vẫn còn là một phi công dân dụng của hãng TWA. Schafer (Domhnall Gleeson) - nhân viên của CIA, chiêu mộ Seal nhằm thực hiện các phi vụ tại Nam Mỹ. Vốn đã chán ngấy những chuyến bay đầy quy tắc và thiếu thử thách, Seal rời bỏ TWA và nhanh chóng dấn thân vào công việc nguy hiểm này.

Sau một thời gian, người của Pablo Escobar, trùm ma túy của Columbia, tiếp cận Seal và yêu cầu anh vận chuyển hàng vào nước Mỹ. Lợi dụng tình hình chính trị bất ổn của Nam Mỹ và các tham vọng của Hoa Kỳ, tay phi công láu cá vừa buôn ma túy vừa đóng vai trò nội gián của CIA.

Vào những năm 80, nước Mỹ hiện lên đầy bình dị chứ không hoa mỹ như những lời đồn đại. Bối cảnh chính xảy ra câu chuyện: thị trấn Mena thanh bình, thưa thớt. Phong cách thời trang quần bò cũ kỹ hay dàn xe cổ điển được thể hiện một cách chi tiết. Nhưng dù gì thì nó vẫn là “xứ thiên đường” mà ai cũng mơ tới.

Đối nghịch với Hoa Kỳ là các quốc gia Nam Mỹ nghèo nàn, lạc hậu và bị tàn phá bởi nội chiến. Nơi mà người dân chen lấn lên máy bay khi nghe sắp được đi Mỹ và trốn khỏi trại ngay khi đặt chân xuống đất.

Mặc dù đả phá chính trị sâu cay, nhưng đạo diễn Doug Liman đã áp dụng triệt để phong cách trào phúng của thập niên 80 vào tác phẩm của mình. Những rối ren chính trị đều được miêu tả một cách hài hước bằng các chi tiết hoạt hình xen kẽ, điển hình như con đại bàng biểu trưng cho nước Mỹ và gấu (Nga) lao vào đấm nhau với đống bom sau lưng. Nó gợi nhắc đến thời điểm nước Mỹ thường xuyên dùng những bộ phim hoạt hình này để cảnh báo nguy cơ chiến tranh hạt nhân cho người dân. Song, có cánh né hạt nhân nào mà là... chui xuống gầm bàn không? Đây chỉ là mị dân để họ quên đi sự tàn khốc của vũ khí nguyên tử mà thôi.

Bên cạnh đó, Barry Seal: Lách Luật Kiểu Mỹ có những pha chuyển cảnh đầy hàm ý. Chỉ với một hành động lặp đi lặp lại với nhiều góc quay khác nhau, bộ phim dễ dàng truyền đạt ý đồ của đạo diễn hay “nhảy cóc” thời gian một cách nhanh chóng. Anh chàng Barry Seal này có một đời sống lắm kẻ mơ ước: tình dục, tiền, ma túy, lặp lại...

Tuy nhiên, qua cách thể hiện của Tom Cruise và Doug Liman, Seal cũng chỉ là một “người ngoại quốc luôn giao hàng đúng giờ”. Việc anh chàng trở thành tay buôn ma túy cũng chỉ là nôm na là giỏi luồn lách, lợi dụng các kẽ hở của các phi vụ ngầm. Nhân vật Baelish trong loạt phim Game of Thrones từng nói: "Hỗn loạn là nấc thang đến với quyền lực!”. Barry Seal chính là kẻ biết lợi dụng nấc thang đó để leo lên: gã áp dụng triệt để nguyên lý kinh doanh cơ bản, mua thứ họ không cần với giá rẻ mạt và bán cho người cần với giá trên trời. Ai cũng đạt được mục đích của mình, mọi người đều vui vẻ.

Tiền trở thành con bài vạn năng có thể làm được mọi thứ. Sự lũng đoạn của tiền được thể hiện qua việc ai cũng trở thành chiến hữu, tay bắt mặt mừng cùng vài phong bì dày cộm. Cô vợ Lucy ngưng than vãn khi thấy hàng núi tiền do chồng mang về. Gia đình anh chàng cũng trở nên hạnh phúc hơn hẳn. Rõ ràng, tiền không thể mua được hạnh phúc nhưng có thể mua được nhà, xe, máy giặt,... Còn nhà xe và máy giặt sẽ mua được hạnh phúc.

Đúng là không gì giàu bằng buôn ma túy. Nếu từng nghe tới điển tích mua 2000 đô la dây thun để cột tiền của Pablo Escoba hay ném tiền vào lửa cho con sưởi ấm thì bạn vẫn chưa tưởng tượng được độ giàu của mấy gã này đâu. Làm "Grab Air" như Barry Seal mà một mình thầu không nổi, phải huy động thêm 4 anh cao to đen hôi nữa chở ma túy phụ - vườn nhà chôn đầy tiền, trong nhà vợ anh còn không phân biệt được hộp đựng giày và hộp đựng tiền, thậm chí còn có cảnh Barry Seal bị tiền đè lên người lên người. Phải, tiền đè chết người là khái niệm có thật chứ đùa.

Cũng bởi tính nhạy cảm chính trị của Lách Luật Kiểu Mỹ mà hàng loạt tai to mặt bự thời đó đều được chỉ tên. Từ tổng thống Ronald Reagan cho tới Bush hay Bill Clinton đều bị “điểm danh”. Ở Nam Mỹ thì tay tội phạm Pablo Escoba đã quá nổi tiếng với những ai yêu thích loạt phim Narcos. Sự đen tối trong các hoạt động chính trị của Mỹ cũng xuất hiện với việc bí mật tài trợ cho các tổ chức phiến quân. Liệu cáo buộc ISIS có liên quan đến Mỹ là đúng hay sai?

Tuy còn đôi chỗ còn thiếu sót nhưng Lách Luật Kiểu Mỹ là một phim tiểu sử khá thú vị, nhất là khi cuối cùng, Tom Cruise cũng có một vai diễn xứng với tài năng của ảnh. Phim xem ở định dạng 2D.

123Phim