Từ thời Ai Cập cổ đại, thần Ra có 2 người con trai là Osiris và Set. Osiris được cai trị vùng sông Nile màu mỡ, còn Set thì phải canh giữ vùng sa mạc khô cằn.

Bất mãn vì cho rằng phân chia không cân bằng. Vì căm phẫn, Set đã tạo phản ngay trong ngày Osiris truyền ngôi cho đứa con trai duy nhất của mình, Horus.

Sau khi giết chết Osiris và đày Horus đi, Set bắt đầu sự thống trị tàn độc của mình trên toàn Ai Cập. Đây là lúc câu chuyện của chúng ta bắt đầu, tên trộm Bek vì muốn cứu người mình yêu và giải phóng người dân đã sát cánh với Horus trong cuộc hành trình giành lại quyền lực, đánh đổ Set.

Nhân vật chính trong phim là Bek do Brenton Thwaites thủ vai. Nam diễn viên còn trẻ nhưng được đánh giá là rất có thực lực, đã quen thuộc với khán giả qua các vai diễn cần nhiều nội tâm trong The Giver hay Oculus. Nhờ thế, anh đã diễn tả đầy đủ hình ảnh một tên trộm tuy chỉ là phàm nhân nhưng rất gan dạ khi đối diện với các vị thần, đồng thời cũng đầy tình yêu thương. Dù đứng chung với dàn diễn viên toàn ngôi sao nhưng anh vẫn không hề lép vế.

Nicholai Coster-Waldau trong vai Horus, là đứa con cưng nên khá cao ngạo, nhưng trải qua cuộc hành trình càng ngày càng trưởng thành. Vai diễn này khá giống với Jaime Lannister trong series Games of Throne đã làm nên tên tuổi của anh, nên không khó để hoàn thành tốt nhân vật. Ác thần Set của Gerard Butler đã thể hiện được sự ngang tàng, hung bạo và 1 trong những điểm nhấn của phim. Các diễn viên còn lại như Geoffrey Rush, Rufus Sewell đều tròn vai.

Gods Of Egypt đã xây dưng một Ai Cập cổ đại với cả tam giới rất chi tiết và tỉ mỉ. Thần giới xa hoa và lộng lẫy, Nhân giới phồn vinh với nhiều kiến trúc hùng vĩ, Địa ngục giới tăm tối và hoang vu, tất cả đã tạo nên một thế giới đầy màu sắc thần bí và tuyệt đẹp. Những góc quay bao quát từ trên cao xuống cũng góp phần cho người xem thấy được sự hoành tráng của thế giới trong phim.

Các vị thần có thân hình cao lớn và có khả năng biến hình thành những hình thù bằng kim loại sáng lóa hay những con ác quỷ đáng sợ dễ khiến khán giả cảm thấy thích thú. Quái thú trong phim cũng muôn hình vạn trạng, với rắn khổng lồ, nhân ngưu, nhân sư,… mang hình hài cách điệu, nhưng vẫn trung thành tương đối với các miêu tả trong truyện thần thoại ngày xưa.

Dẫu vậy, công bằng mà nói thì phần kỹ xảo của phim không nhiều điểm nhấn, kinh phí thấp cùng 90% bối cảnh đều dùng kĩ xảo nên không nên hy vọng phần nhìn của phim sẽ sống động như thật. Các cảnh quay chậm chưa thực sự nổi bật. nhưng đạo diễn đã khéo léo bù đắp bằng những cảnh chiến đấu với tốc độ cao.

2/3 thời lượng phim ban đầu là cuộc hành trình của Bek và Horus diễn ra khá chậm. Những câu chuyện, những thử thách trên chuyến đi giúp Horus dần trưởng thành thành một vị thần tốt thật sự, vừa để người xem hiểu thêm về quá khứ và bí ẩn của các vị thần cũng như thế giới đó.

Những cuộc trò chuyện giữa 1 người -1 thần với nhiều câu tung hứng và châm chọc lẫn nhau đã thành công trong việc giúp mạch truyện giãn nỡ và bớt căng thẳng.. Tuy nhiên, phần đôi lúc bị tận dụng quá đà giữa các nhân vật dễ làm loãng mạch phim chính.

Phần sau của phim là khúc cao trào với nhịp phim nhanh hơn hẳn cùng nhiều cảnh hành động liên tiếp nhau, buộc người xem phải “nín thở” theo dõi từng diễn biến. Cụ thể là ở cuộc “đồ sát thần” dã man của Set, hay cuộc chạy đua tìm đường sống của Horus và Bek trước hai con rắn khổng lồ biết phun lửa.

Dù là phim giải trí nhưng đạo diễn vẫn khéo léo lồng ghép những bài học cảm động về tình người, về tình yêu, về thiện và ác trong cuộc sống. Điều đó làm cho God of Egypt không như những phim giải trí đơn thuần khác, vừa ra khỏi rạp là đã quên hết nội dung.

Gods of Egypt có kịch bản dừng ở mức trung bình – khá, là một tựa phim vốn ban đầu không ai kỳ vọng. Thế mà phim lại thỏa mãn thị giác ngoài ý muốn, với tính giải trí cao phù hợp với nhiều đối tượng khán giả đại chúng.